Trong quyển Sapiens của tác giả Yuval Noah Harari, ông có nhắc đến một ý rằng con người ta chủ yếu chọn làm những cái người ta cảm thấy dễ chịu. Xét riêng về vấn đề học một thứ gì đó cũng vậy.
Thường chúng ta sẽ dễ dàng thỏa hiệp với những thứ dễ xơi, dễ tiếp cận. Chúng ta muốn tìm một nơi nào đó, một trang nào đó, một video nào đó có thể dạy ngắn gọn và nhanh lẹ về Thống Kê, về Toán Giải Tích, về Lập Trình Hướng Đối Tượng,…
Ví dụ như có bạn muốn học rất nhiều thứ nhưng lại ngại đọc tiếng Anh. Lúc nào cũng đổ lỗi cho bản thân là tiếng Anh chưa đủ tốt, chỉ bó hẹp khả năng của bản thân vào tiếng mẹ đẻ mà thôi.
Khi viết bài Hiểu ý tưởng giới hạn trong toán học, tôi đã cố gắng chọn cách gọn nhẹ và dân dã nhất để giúp bạn hiểu nhưng cũng lại có bạn chê quá dài! Bạn muốn hiểu một khái niệm trừu tượng và khó bậc nhất thế giới toán học mà bạn lại lười đọc và muốn nó được giải thích chỉ vài dòng thì làm sao có thể?
Bạn đã muốn nó ngon mà bạn còn muốn nó rẻ nữa sao?
Có rất nhiều lời quảng cáo trên mạng nói rằng “Học thống kê từ A-Z chỉ trong một bài”, “Học Python trong vòng 4 tiếng”, “Làm chủ lập trình trong một ngày”,… Tôi không hiểu những người viết mấy bài này quá xạo hay họ quá xem thường khả năng tỉnh táo của những người tự học?
Trách đi cũng phải trách lại. Sự khác nhau giữa xem một video chém gió của các chương trình nhảm trên youtube và ngồi đó căng mắt ra đọc một khái niệm Toán/Tin mới chính là ở sự cuốn hút. Tính giải trí chỉ chiếm một phần nhưng phần còn lại còn ở sự cuốn hút. Đó là lý do vì sao Math2IT không những chăm chút vào nội dung mà chúng tôi còn muốn chăm chút cả về vẻ bề ngoài.
Cùng một nội dung, cách bạn diễn đạt khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Bạn có thể trách mình lười biếng nhưng bạn cũng có quyền trách người khác quá hời hợt trong cách truyền đạt.
Cho dù là lý do gì, sẽ không bao giờ có con đường tắt trong thế giới học thuật, nhất là trong quá trình tự học. Những vấn đề, khái niệm càng khó thì bạn sẽ càng mất đi “quãng thời gian chờ” càng nhiều. Đây là quãng thời gian bạn học rất mệt, rất chán, rất lâu nhưng lại cảm giác không tiến bộ gì. Để rồi một ngày đẹp trời nào đó, bạn nhận ra là bạn đã tiến bộ vượt bậc như thế nào (học lập trình, học ngoại ngữ, làm thật nhiều bài tập toán,… là bạn sẽ biết điều này).
Vì thế, hãy chắc chắn bạn hiểu một điều: Trừ khi bạn quá xuất chúng, đọc đâu hiểu thấu đó, còn không, hãy chấp nhận sự yếu kém của bản thân mà đi đúng con đường của tự học.
Đừng tốn thời gian tìm con đường tắt để rồi nhận ra với thời gian đó, bạn đã đi hết con đường vòng!
Bài viết này tôi đăng lại từ bài viết gốc trên Math2IT.