Hãy thử quên công thức để tập trung vào cách dạy!

Anh-Thi Dinh
Vietnamese
Vốn xuất thân là một dân sư phạm Toán nhưng lần gần nhất tiếp xúc chính thức với chương trình và kiến thức Toán THPT Việt Nam của tôi tính ra cũng đã hơn chục năm trước. Không phải bàn cãi nhiều, tôi quên cũng kha khá các công thức thuộc nằm lòng ngày xưa.
Cách nửa vòng Trái Đất, tôi vẫn thường hay dạy online qua Skype cho những đứa em trong gia đình. Mỗi lần tụi nhỏ hỏi tôi “Bài này làm sao anh T?” thì gần quá nửa tôi hỏi ngược lại “Em học đến đâu rồi, nhắc anh lại công thức mà em học xem.” Vậy tôi sẽ dạy tụi nhỏ được cái gì khi mà chính bản thân mình còn không nhớ nổi 1 cái công thức?
Tôi dạy các em ấy cách lập luận!
Tôi luôn mở đầu buổi dạy thế này “Anh quên gần hết rồi, nhưng anh sẽ xuất phát giống như em, đọc đề, phân tích đề, từ giả thiết để tìm ra kết luận.” Thế là tôi đọc đề bài, nói to mọi suy nghĩ và viết ra hết trên giấy những gì tôi nghĩ từ cái đề bài đó. Ý này thì ta suy ra cái gì, ý kia thì suy ra cái gì. Đến chỗ nào thì có mấy hướng đi tiếp, mỗi hướng thì ta sẽ suy ra sao. Rồi có hướng nào sẽ lái mình đến cái kết luận không? Rồi trên cái hướng đang chọn liệu có công thức nào nhanh không? (Thế là tui hỏi, “Chỗ này có công thức gì tính nhanh không em?” Và bingo, có một công thức đã học có thể áp dụng vào!).
Rõ ràng tôi không xuất phát từ công thức để mà đi tìm lời giải, tôi xuất phát từ cái đề bài. Tôi cố gắng nói hết quá trình diễn giải và suy nghĩ logic của mình ra cho đứa em hiểu. Mọi minh họa đều hạn chế chữ hết mức có thể. Mũi tên, ký hiệu, hình học được áp dụng một cách triệt để. Và quan trọng, tôi học được một chiêu của thầy dạy thạc sĩ, hãy cố gắng viết/vẽ mọi thứ trong cùng một mặt giấy để tránh bị phân tâm!
Sau khi giải xong, tôi không quên khẳng định lại “Nãy giờ anh nghĩ gì anh đều nói rõ ra cho em biết. Không có hoặc có rất ít bước dựa vào sự ‘bất chợt’ hoặc những cái ‘mà anh biết trong khi em không thể biết’, anh toàn làm theo trình tự logic có tính trước sau mà thôi.” Tôi cũng kêu thằng em thử giảng lại cho tôi bài toán đó xem nó có thật sự hiểu không trong khi mình đóng vai là một đứa bạn chả biết gì. Rồi tôi chất vấn nó trong quá trình nó “giảng bài”.
Tất nhiên phương pháp này không thể áp dụng trên lớp hay áp dụng để luyện thi trắc nghiệm. Tôi thích nó vì đơn giản tôi không cần phải dạy tụi nhỏ giống như những gì chương trình giáo dục VN đang ép các thầy cô phải dạy.
Cũng may (hoặc xui) là tôi đã quên các công thức mà chỉ 1 cú click chuột là tôi có thể tìm ngay ra được. Thế nên cái tôi dạy các em tôi là cách tư duy và quá trình lập luận ra kết quả thay vì tôi biết trước đáp án rồi vẽ đường cho chúng đi như cách đây 6 năm vẫn hay làm.
Đôi dòng tâm sự.

Bài viết này tôi đăng lại từ bài viết gốc trên Math2ITv.